KIẾN TRÚC BA TƯ

Kiến Trúc Ba Tư
 

 

kientrucbatu

 

Để tìm hiểu sơ qua về kiến trúc của đền thờ Ba Tư và nghệ thuật trang trí Hồi giáo, ta sẽ bàn về hai phần: cấu trúc của đền và chi tiết của hoa văn trên cấu trúc này.

I.  Kiến trúc đền thờ Hồi giáo
Royal mosque ở Isfahan, Iran với mái vòm vĩ đại mầu lam ngọc - turquoise là đền nổi tiếng nhất tuy có thể không phải là đẹp nhất. Với một kiến trúc Hồi giáo, các phần sau đây được cân nhắc kỹ trong công trình xây cất: ánh sáng, nước (trong hồ), không gian (tạo tiếng vang), trang trí và hướng hay trục của cấu trúc. Có sự sắp đặt kỹ để ánh sáng tương tác với bề mặt của gạch lót tường có tráng men, biến thành ánh mờ ảo mà lấp lánh, tưng bừng, rộn rã. Chi tiết tỉ mỉ này thấy ở dinh thự, đền đài mà luôn cả khu chợ rộng lớn - bazaar. Mỹ thuật áp dụng vào nơi buôn bán có lẽ bắt nguồn từ quan niệm coi trọng thương mại.
Mặt khác, dù là đền đài hay khu chợ, cấu trúc đều có một đặc điểm quan trọng là không gian có vị trí ngang hàng với cơ cấu chứa đựng, bao bọc nó. Đi trong khu chợ hay dạo bước trong đền, người ta nhớ chi tiết bên trong hơn là cơ cấu dựng nên nó. Mỗi phần của kiến trúc biểu lộ sự nhậy cảm với tính chất của không gian và ảnh hưởng của nó với người trong cảnh. Nó khiến ta có cảm tưởng là mình dự vào cảnh mà không đứng ngoài.
Cảm tưởng chung là đền thờ vừa vĩ đại vừa có trình tự và những khoảng trống nơi này tuôn sang nơi kia không có gì cản trở. cùng ở một tầng với nhau. không có cầu thang hay nơi giới hạn việc đi lại (so với kiến trúc giáo đường có những nơi dành riêng cho việc hành lễ), không có gì gợi ý là có chức sắc cao cấp; không có bàn thờ, chỗ cho ca đoàn, nơi treo tranh ảnh hay chỗ nào thờ phượng thiêng liêng, và càng không có gì mô tả hay gợi ý sầu khổ, đớn đau luôn thấy trong kiến trúc giáo đường tây phương.
Ở đây có sự nhấn mạnh khác hẳn, nhắm vào nội tâm và vắng bóng rất rõ sự căng thẳng tinh thần. Bầu không khí có tính trầm mặc hơn là cảm xúc cuồng nhiệt, và không gì thể hiện tính chất này rõ hơn là chỗ ở giữa đền là khoảng trống quân bình, trông tựa như khoảnh vườn mà nhìn kỹ thì quả thực vậy, ta đang ở giữa khu vườn bởi bề mặt khắp nơi của tường trong đền lát gạch, ửng sáng không biết cơ man nào là  hình hoa lá, lập đi lập lại trên bao nhiêu mét vuông. Tự nóc chính của đền là một mái vòm cây cối dịu mát, rồi tường, các mái phụ, nhiều cửa vòng cung phủ đầy hình khác nhau của hoa, lá, dây leo quấn quít đến vô tận.
Các cấu trúc này tỏ sự rõ ràng, hài hòa với nhau; kiểu mẫu có đường nét khẳng định, tính đối xứng của toàn khối thật tuyệt vời, và khi hồ nước ở giữa cấu trúc cho ra phản ảnh của đền, nó thêm vào đó sự nhịp nhàng của các đường nét, hình của tổng thể; bề mặt chính của đền có phản ảnh lung linh dọc theo trục đối xứng.
Tuy đền uy nghi và trang trí cầu kỳ nhưng kiến trúc có nét chi đó dễ nhìn, tự nhiên; nó có điểm chính là sự tự do đi lại, tới lui dễ dàng mọi chỗ trong đền, không có gì làm người ta e ngại hay đền có chủ ý làm ta bị choáng ngợp. Nó biểu lộ tính hợp nhất, đơn giản, cận nhân tình của Hồi giáo. Đền thờ không phải chỉ là nơi thờ phượng mà còn là chỗ cho mọi sự giao tiếp người con người.
Khi xã hội chưa có những cơ sở dân sự như văn phòng hành chính, thì đền thờ là nơi chứng nhận văn kiện pháp lý, ký tên giấy tờ mua bán, tuyên thệ; người ta đọc kinh sách ở đây, chép kinh; nó là nơi để học và để giảng dạy, và bài giảng cuối tuần bầy tỏ quan điểm chính trị. Đền cũng là nơi nghỉ chân của lữ khách, và ngày nay du khách phương xa mệt mỏi vào thăm thắng cảnh, vẫn có thể nằm ngủ trên thảm trong đền mát mẻ cho qua buổi trưa nóng bức bên ngoài.
Vòm chính được xây sao cho từ một điểm bên dưới đỉnh vòm, âm vang ra sẽ có 49 tiếng vang đo được, nhưng tai người chỉ nghe được khoảng một chục mà thôi. Hình dạng của vòm này được chủ ý truyền tiếng nói của thầy giảng, đến tín hữu ở xa nhất trong khuôn viên bên ngoài đền.
Bề mặt của tường trong đền và trên mái vòm được trang trí bằng hoa văn tỉ mỉ, phức tạp với kiểu mẫu lập đi lập lại chạy dọc theo tường. Nếu không phải là hoa văn thì là những hàng thư pháp phất phơ chạy đuổi nhau. Giới hạn của máy chụp hình thấy rõ ở đây, ta có thể ngồi nhà xem hình chụp những kiểu mẫu này nhưng máy chỉ trưng ra bề mặt; còn khi đứng tại chỗ thì sự cộng hưởng và tương tác giữa ánh sáng, mầu sắc, không gian (tiếng vang), hình dạng, tất cả hợp lại hay nói chung khiến nhiều cảm quan của ta được kích thích, cho ra một sự cân bằng tuyệt hảo, và mức sâu xa của khung cảnh khiến kinh nghiệm hóa mạnh mẽ, quí báu như bảo ngọc. Khách ra về mà lòng  tràn ngập sự biết ơn, mừng là được nhìn ngắm một trong những kỳ quan của kiến trúc.

● Trình tự Thời gian
Một cấu trúc có nhiều phần mà khách sẽ lần lượt đi qua. Ta có thể không để tâm đến thứ tự trước sau đó, và việc chuyển từ một chỗ này sang chỗ khác, nhưng từ hành lang đi vào đền, từ nơi nọ dẫn sang nơi kia đều nhằm cho ta ý niệm trình tự trong tổng thể. Tất cả những chỗ của một cấu trúc có ý nghĩa nhờ cái có trước và sau nó. Mọi kiến trúc quan trọng nhất của Iran đều áp dụng nguyên tắc này, và ta sẽ không hiểu của kiến trúc Ba Tư nếu không hiểu nguyên tắc ấy.

● Tỉ lệ Vàng - Golden Mean
Đây là tỉ lệ giữa những phần trong một hình làm cho hình, và do đó cấu trúc, được hài hòa, êm mắt, cho hình có tính mỹ thuật cao. Thí dụ một hình chữ nhật có tỉ lệ cạnh dài với cạnh ngắn là 1, 618… thì hình có kích thước dễ nhìn hợp mắt nhất. Trụ sở LHQ tại New York được xây theo tỉ lệ này; tỉ lệ được khám phá từ lâu, và được áp dụng ở kiến trúc Ai Cập, Hy Lạp khi xưa, công thức hay cách tính là:
√5 + 1
2
cho ra Φ hay φ phi. Đây cũng là tỉ lệ trong chuỗi số Fibonacci.

● Đồ Hình Thiêng liêng - Sacred Geometry
Người xưa khám phá các đặc tính, ý nghĩa của số học và hình học, từ đó dẫn đến lòng tôn kính đối với một số hình thể (xin đọc bài Biểu Tượng PST 86), và áp dụng các con số, tỉ lệ, hình dạng đặc biệt này vào kiến trúc. Triết lý cho rằng mọi cấu trúc thiên nhiên từ hèn mọn nhất như bông hoa, vỏ sò ốc, tới hình dạng của thái dương hệ, đều tuân theo một số ý niệm (thí dụ vòng tròn tượng trưng sự vĩnh cửu, hình vuông chỉ cõi phàm), cách tính (như tỉ lệ phi nói trên).
Các nền văn minh ý thức sự liên hệ giữa số học và hình học tự nhiên sẽ áp dụng hiểu biết vào kiến trúc, biểu lộ triết lý của họ. Đền đài, dinh thự các nước được xây từ những đơn vị căn bản là hình tròn, vuông, chữ nhật, hình dạng những cấu trúc này không những uy nghi mà còn có nét thần bí, chứa đựng và nói lên ý niệm không phải chỉ giới hạn vào chuyện phàm tục mà thôi. Khi xưa trường phái Pythagoras giảng dạy về liên hệ này, và gần hơn với chúng ta thì kiến trúc kiểu Palladio thể hiện sự hài hòa giữa các hình.
Văn minh Hồi giáo chú trọng về toán học, cho hình học một ý nghĩa đặc biệt. Trong khi giáo đường tây phương có khung kính mầu thì Ba Tư biến các hình kỷ hà thành mẫu trang trí tinh xảo, tuyệt kỹ để lôi cuốn sự chú ý của của người xem; rồi khi Hồi giáo đến thì lời kinh thành thư pháp trên tường để rao giảng.   
Những hình khác có công dụng lạ lùng đáng chú ý. Ngày nay trong thính đường hòa nhạc ta có kỹ thuật khuếch âm, còn trong đền Ali Qapu ở Isfahan, Iran xây cất năm 1597, trần của tầng trên cùng và mái vòm được xây theo cách đặc biệt với nhiều khoang nhỏ, tầng này được gọi là Phòng Nhạc. Người ta cho rằng những khoang trống này có tác dụng như là nhiều phòng cộng hưởng nhỏ, biến nốt nhạc của một nhạc sĩ trình tấu thành nhiều nốt của dàn nhạc, hay một lời thì thào không nghe được khi thốt lên ở ngoài khoảng trống, lúc vào phòng lại được truyền đi rõ từ góc này sang góc kia của phòng.
Nhìn ngắm đền đài Hồi giáo cho ta ấn tượng nổi bật là lịch sử thật mênh mang, với bên dưới nó là phần tinh túy của những niềm tin vì sao đó được duy trì và biểu lộ, bằng các mẫu hình thể hết sức mỹ thuật được lập đi lập lại. Đế quốc và triều đại vua chúa tới rồi đi, nhưng nghệ thuật còn đó mãi.

II. Trang Trí
Nghệ thuật Ba Tư dính liền với kinh Koran, nên mục đích hay vai trò của nghệ sĩ là tạo nên nhắc nhở sống động về Thượng Đế, về thiêng liêng, có lẽ vì vậy mà nghệ thuật Ba Tư và Hồi giáo trừu tượng nhiều lần hơn nghệ thuật phương tây, dầu vậy, điều nghịch lý là nó lại đầy chi tiết tỉ mỉ. Đi vào giáo đường phương tây người ta thấy ngay vẻ mỹ lệ của tòa nhà và trang trí, cấu trúc bên trong, nhưng chúng không có mấy chi tiết nếu so với mẫu trên tường của đền đài Ba Tư. Người ta nhận ra nơi sau là kiệt tác của trí tuệ với bao hình lớn nhỏ được chồng lên, xen kẽ, đan vào nhau, hình nhỏ dẫn tới hay nằm trong hình lớn hơn, tất cả là tổng hợp của nhiều ý tướng ẩn trong mẫu. Lắm cách tạo hình được áp dụng, cho thấy óc sáng tạo thật phong phú, làm như tuôn chẩy mãi không cạn, không ngừng, với vô số mẫu hình khác nhau thấy khắp nơi trong đền đài Hồi giáo.
Ta có thể nói trang trí ở các nơi đó là sự vinh danh đấng thiêng liêng bằng mỹ lệ; nguyên tắc này làm nghệ thuật có tính vô tư, không có dầy vò, ưu tư về sự sống, cuộc đời hay đặc tính cá nhân nào của nghệ sĩ, và không có mục đích dùng nghệ thuật để gây chấn động nơi người xem, hoặc ưa thích hoặc bác bỏ, như đường lối của một số nghệ sĩ hiện thời của Âu tây.
Nghệ thuật tây phương tiến hóa, các trường phái, khuynh hướng xuất hiện, vang danh rồi chìm khuất. Quan niệm thay đổi dẫn tới biến đổi trong cách thể hiện, còn những mẫu trong nghệ thuật Ba Tư làm như bao lâu nay ngại ngùng không muốn canh tân, nhưng nghĩ kỹ thì nó là vậy bởi liên hệ giữa con người và thiêng liêng vẫn thế từ xưa đến nay, không thay đổi.
Nói riêng về kiến trúc, sự biểu lộ còn hóa tinh tế hơn qua việc sử dụng các phần của khung cảnh, như định hướng hay trục của đền để ánh sáng cho tác dụng muốn có vào buổi sáng, giữa trưa, chiều v.v. Nghệ sĩ có thể khiến ánh sáng thành rải rác và bị vải giữ lại, hay được hướng cho chiếu qua khung cửa, hành lang, vòm, hay chan hòa đủ mầu sắc trong quang phổ, khi chiếu vào cổng vòng cung có cẩn đá.
Khi khác vật liệu của đền có thể được làm nổi bật, hay chìm xuống bằng cách dùng mầu, hay sinh ra biến thể tùy theo sắc đậm, lợt. Mỗi mặt phẳng đều có kiểu hình này hay kia. Men của gạch lát tạo nên hình cho ánh lấp lánh thay đổi, khi ta nhìn từ góc này hay kia, hay hợp với nhau thành vòng cung parabol khi kiểu hình lập đi lập lại trên tường. Các dải thư pháp uốn lượn, tung tăng, một chữ khi thì kéo dài khi thì cô đặc làm khó đọc, tuôn giữa đường nét rạch ròi.
Hai ý hay cặp đối nghịch như phần trụ vững và phần linh động, cái bất biến và cái thay đổi, sự vĩnh cửu và sự vô thường đều được biểu lộ qua hình ảnh cao nhã mà đầy thắc mắc, vì hình thang gặp hình xoắn, và sự đối xứng vì lẽ kỳ lạ nào đó hòa tuyệt diệu với đường trôn ốc. Khung cảnh tác động lên cảm quan, trí não và cảm xúc của khách vào đền, và những dụng cụ của loại nghệ thuật này đã áp dụng trọn khả năng thiên phú của chúng để gây ấn tượng nơi người.

Căn bản cho trang trí đền đài Ba Tư nói riêng và thánh đường Hồi giáo nói tổng quát là ba yếu tố:
–  Hình kỷ hà,
–  Cây cỏ gồm hoa, lá, cành, dây tua vấn vít,
–  Thư pháp.
Điểm chung của ba loại này khi áp dụng vào thảm, tường, tranh, các mỹ vật v.v. là nhiều hình đan vào nhau thành một mẫu, rồi mẫu này được tái lại nhiều lần trên thảm hay trên tường. Hoa, lá, cành cũng theo nguyên tắc này với nhánh, dây leo xen lẫn. Nghệ thuật tây phương đạt tới cao điểm là hình vẽ con người, còn hình người thiếu vắng trong nghệ thuật Ba Tư và Hồi giáo do cấm đoán theo kinh. Cái sau có tính trừu tượng hơn, thế nên điều quan trọng là tránh xem xét cái sau theo tiêu chuẩn của cái trước.

● Toán học chiếm một địa vị cao trong việc học hỏi của xã hội Hồi giáo, cho kết quả là người ta thích thú với hình học, con số và biểu tượng trong toán. Có lẽ vì vậy mà khuôn mẫu và biểu tượng liên kết mạnh mẽ với nhau trong nghệ thuật trang trí, ở mức biểu lộ tinh xảo nhất và phong phú nhất, thì ngôn ngữ bằng hình của nghệ thuật Hồi giáo chứa đầy biểu tượng có ý nghĩa thâm sâu. Với điện Mshatta ở Jordan, kích thước của phần trang trí trên cổng với những phần khác của toàn cảnh có tỉ lệ chính xác lạ thường; các tỉ lệ này có ý nghĩa số học đáng nói trong văn hóa Hồi giáo. Thí dụ khác là trang trí trên cột của đền thờ lớn Kairouan ở Tunisia và Damascus, Syria cũng có liên hệ tương tự qua các biểu tượng bằng hình kỷ hà mà người ta vẫn chưa hiểu. Đến nay vẫn chưa ai có giải thích về tỉ lệ của thư pháp với kiến trúc.
Ta có thể nghĩ là trang trí trong đền thờ và nghệ thuật Hồi giáo nói chung hẳn phải nặng phần tín ngưỡng, nhưng thật ra không phải vậy mà sự phối hợp của nhiều ngành triết lý, minh triết và phái Sufi thần bí, cùng với nhau cho ra đặc tính của nghệ thuật Hồi giáo. Kết quả là đền thờ trong thế giới Hồi giáo trang trí theo một số đề tài chung,  mang tính siêu hình hơn là tín điều. Đây không là đặc điểm của riêng Iran hay văn minh Hồi giáo, nhưng trang trí loại này đạt tới mức tinh xảo đáng kinh ngạc, và lan rất xa ra ngoài Iran.
Trong nền văn minh ấy, nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, thư pháp v.v. được cho là phát xuất từ cõi trời, và theo khuôn mẫu chặt chẽ; thi ca thì câu dài, ngắn được ấn định rõ; nhạc có từng loại phân biệt, thư pháp thì theo tỉ lệ, và kiến trúc áp dụng những hình kỷ hà. Tất cả lại thành tuyệt xảo hơn nhờ đối xứng và sự nhịp nhàng; tất cả cố gắng đạt tới sự trong sáng, rực rỡ, và trên hết thẩy, mỹ lệ. Tất cả mong muốn thể hiện thiêng liêng cho người phàm chiêm ngưỡng, dùng cọ vẽ, dây đàn, thước nhằm tạo dưới thế hình ảnh, âm thanh, cảm xúc mà nghệ sĩ tin là tràn đầy ở cõi trời.
Đường cong uốn lượn - một đặc điểm của trang trí Hồi giáo được gọi là arabesque (kiểu Arab) - hợp với đường thẳng của hình kỷ hà, cho ra những kiểu mà đặc tính chung là vươn ra, hàm ý đến vô tận, và hình là sự hợp nhất của hai đường. Thư pháp đủ dáng vẻ là cầu nối giữa thế giới hình thể và thế giới ý nghĩa; những hàng thư pháp chạy đuổi nhau khắp tường hay vòm, được xếp đặt khéo léo tạo nên sự hài hòa. Chúng đan lẫn vào nhau, rồi tính chất của đá xây tường, men gạch, kim loại và vải làm sự sáng tạo thành phức tạp vô kể. Dầu vậy, sự chính xác của toán học, tỉ lệ và kiểu mẫu không đổi, luôn luôn gợi ý về một khuôn mẫu kết hợp và lớn lao hơn, thuộc cõi trời.

● Hình hoa lá
Hoa lá được dùng làm kiểu rất thường gặp trong việc trang trí kiến trúc Iran nói riêng và Hồi giáo nói chung, cũng như thấy trong hội họa, thảm và nhiều nghệ thuật khác. Vườn là một hình ảnh khác được dùng nhiều trong văn hóa Iran, là khung cảnh rất quen thuộc trong thi ca, là tâm điểm của thi ca thần bí, và là mẫu nổi bật trong nghệ thuật tôn giáo. Từ Iran, vai trò của vườn lan ra khắp thế giới Hồi giáo, từ Pakistan phía đông tới vùng Hồi giáo của Spain phía tây, nhưng hình ảnh vườn không chỉ gắn liền với nghệ thuật Hồi giáo. Cả ngàn năm trước khi có Hồi giáo, ta đã có vườn treo Babylon là một trong bẩy kỳ quan của thế giới xưa; các vị vua của Ba Tư thời cổ cũng lập ra những khu vườn mát mẻ. Vườn mang ý nghĩa thiêng liêng với người Ba Tư, ngụ ý một thế giới khác tuyệt vời, tinh thần so với cõi tục; tạo một khu vườn là tạo cảnh thiên đàng theo nghĩa người thời cổ hiểu về cõi trời, nơi ước ao so với cảnh sa mạc nóng bức dưới thế. Khi Hồi giáo đến thì vườn được tiếp tục cho ý nghĩa này. Sách vở ghi chữ ‘vườn - paradise’ bắt nguồn từ Ba Tư, biến thể sang tiếng Hy Lạp, Latin rồi Anh, Pháp ngữ v.v. và thành có nghĩa là thiên đàng.

● Thư pháp để trang trí thường không đứng riêng rẽ, tiêu biểu trên tường hay vòm trong thánh đường, hay đền đài Ba Tư, là những dải thư pháp đủ kích thước, kéo dài phất phơ lạ thường, giữa một biển hoa lá và tua dây quấn quít, với nhiều kiểu hình kỷ hà tinh xảo. Mẫu hình như vậy gồm ba thế giới phân biệt cùng hiện diện, là thiên nhiên (hoa lá), trật tự (hình kỷ hà) và thư pháp (lời kinh).
Sự phong phú và sinh động của thiên nhiên thấy gần như khắp nơi trong nghệ thuật Hồi giáo, và trong nghệ thuật Ba Tư thì hoa lá nhiều đến mức cho ấn tượng choáng ngợp. Những hình kỷ hà đủ loại biểu hiện óc suy luận mạch lạc, hữu lý sâu xa, tài tình, gợi tính hiếu kỳ và cùng lúc kích thích; sau chót lời kinh nhắc nhở nguồn gốc thiêng liêng của vạn vật kể luôn con người. Mỗi phần như vậy lôi cuốn một đặc tính căn bản khác nhau của người là bản năng (thiên nhiên - hoa lá),  trí năng (hình kỷ hà) và tình cảm (lời kinh).
Có lẽ sự kết hợp ba phần này cho giải thích, hay là lý do vì sao nghệ thuật Hồi giáo lôi cuốn rộng rãi nhiều người, dù với đông người chữ Ả Rập uốn lượn, xoáy vòng chỉ là những dạng bí ẩn, lạ lùng mà không là gì hơn. Ba thành phần này có mặt gần như trong tất cả nghệ thuật Hồi giáo mỹ lệ nhất, đặc biệt là trong nghệ thuật trang trí Ba Tư.
Giữa ba thành phần còn có một yếu tố khác làm tăng sự thu hút, đó là hai lực đối chọi nhau giữa đường thẳng của hình kỷ hà và đường cong uốn lượn của hoa lá, tua hay móc dây; hai lực này hay hai lối vẽ hình luôn tương tác với nhau, cho ra chữ arab-esque chỉ những đường vươn ra quấn quít vào nhau. Tương tác còn cho ra ý niệm vượt khỏi nghệ thuật, nó nói đến thế giới, cuộc sống. Ta có sự rạch ròi, minh bạch của đa giác và hoa lá uốn vòng, rồi góc cạnh cứng rắn kề bên tua dây xoắn mềm mại. Chúng thể hiện ý niệm nhị nguyên:
– Tính âm dương của nghệ thuật Hồi giáo,
– Tính bất biến của vạn vật với sự đời luôn biến chuyển,
– Toán học là điều tính được và điều khôn lường,
– Chuyện lệ thuộc vào thời gian và sự vĩnh cửu.
Thư pháp là yếu tố dung hợp, hòa giải hai đối lực ấy. Lời kinh được viết theo tỉ lệ chặt chẽ, nhưng trôi phất phơ, và chứa đựng phần nào cả hai lực. Thư pháp là phần thiêng liêng nhất của trang trí, hiện diện rõ nhất và lan rộng nhất; nó nối kết phần luận lý (hình kỷ hà - đường thẳng) với phần trực giác (hoa lá - đường cong vấn vít) của nghệ thuật. Với tín đồ, nét uốn lượn của lời kinh thấm đầy lời thì thầm của thiêng liêng.
Vì hình ảnh tràn ngập như vậy trên tường, thảm, trang sách, người ta không cần biết đến nghệ thuật Hồi giáo theo nghĩa sách vở, nghiên cứu về lịch sử của nó để biết sự hòa nhập ba phần của trang trí, ta chỉ cần nhìn vào vật. Trang trí được xếp đặt cho trí não chịu suy gẫm về hình, từ đó sinh ra kết quả phong phú.

III. Cách Nhận Xét
Điều hay thấy trong sách vở là khi nhận xét về nghệ thuật Ba Tư, người ta thường nhìn hình ảnh theo quan điểm tây phương một cách thiếu ý thức, và do vậy cho lời phê bình thiên lệch. Bởi đền đài Ba Tư và Hồi giáo được xây cất theo triết lý, quan niệm của họ, áp dụng lối suy nghĩ khác vào cấu trúc có thể làm ta không nhìn ra nét đẹp, lẫn dụng ý của người sáng tạo ra vật. Lời mô tả chủ quan vì vậy cho biết về cách nhìn của người tây phương, hơn là về công trình mà họ phán xét.
Tâm trí hiếu động, ưa so sánh của tây phương làm họ chỏi với ý nghĩa trầm lặng, nhiều tầng lớp của đông phương và sinh lòng chống đối, bác bỏ hay chê bai; thái độ này làm giới hạn lời diễn giải họ có thể có, hay ý niệm có thể tìm ra, khi đứng trước một sáng tạo của nền văn minh có tiêu chuẩn khác với của mình. Dầu vậy, người tây phương sống ở Iran lâu và chịu tìm hiểu, cũng nhận ra được giới hạn khi diễn giải thuần theo lý trí, họ viết:
– Cách suy nghĩ của phương tây là dùng sự kiện, theo nghĩa đen, lý luận rõ ràng; nó không hiểu rằng thái độ, niềm hy vọng của đông phương thời xưa hằng dựa vào tình cảm và biểu tượng.
Thí dụ là tường dinh thự ở Persepolis xây cất khoảng thế kỷ thứ sáu trước tây lịch, có trang trí là hình khắc sư tử tấn công bò mộng. Học giả tây phương viết đây là tượng trưng cho các mùa, và nói nhiều về căn bản thiên văn học của diễn giải này, hay thời điểm của hai chòm sao Leo - sư tử và Taurus - bò mộng. Còn tài liệu của phái Sufi thần bí giải thích hình theo biểu tượng học, nói rằng cuộc chiến đấu giữa sư tử và bò mộng có ý nghĩa tinh thần, là sự tranh đấu giữa phần cao cả và thấp hèn của nhân tính. Sư tử được khắc như có mặt người, bắp chân thú như bắp tay người cuồn cuộn; bò mộng không lộ vẻ kinh hãi, tuyệt vọng, né tránh, mà chấp nhận và nhìn thẳng vào mặt sư tử. Hình cho cảm tưởng đây là một nghi lễ hơn là một biến cố.
Còn một truyền thuyết khác cũng liên quan đến bò mộng và cũng cho ý nghĩa sâu xa. Thần Mithra là thần mặt trời của cổ Ba Tư, được du nhập vào tôn giáo của người La Mã và được thờ phượng từ thế kỷ 1- 4 sau tây lịch, có tên là Mithras. Huyền thoại nói rằng thần Mithra đánh vật với bò mộng trong hang, thắng cuộc, và cỡi bò mộng ra khỏi hang. Diễn giải theo lý trí thì là vậy, nhưng theo nghĩa biểu tượng con người đi hai chân và con thú đi bốn chân, con người cỡi bò muốn nói ta thắng hay chế ngự được thú tánh (bốn chân) trong lòng. Điểm kế là chung cuộc thì con người thu phục và không giết chết bò, vì chuyện tinh thần không có chém giết mà là cái cao làm chủ cái thấp, cái dưới qui thuận cái trên. Câu chuyện lộ rõ cách suy nghĩ sâu xa, phải qua nhiều lớp mới tới nghĩa chính, và như ta nói ở trên ấy là đặc điểm của triết lý đông phương,
Sự hiểu lầm khi nhận xét về văn hóa Ba Tư còn thấy khi đọc thơ của các thi sĩ nổi tiếng của nước này như Hafez, Rumi. Họ thường tả việc say rượu túy lúy, và thương nhớ người tình. Diễn giải đúng theo triết lý Sufi thì say rượu chỉ sự ngất ngây xuất thần của thiền, và người tình là Thượng Đế, là đối tượng mà tâm hồn luôn khát khao tìm kiếm, tương tư.

Ngoài kiến trúc đáng nói, lăng mộ một thánh nhân Sufi còn có một ảnh hưởng khác thường. Chuyện kể khách nam nữ đến thăm đều thốt nhiên bật khóc khi bước vào một gian phòng của lăng mộ. Dù biết trước và không tin, du khách tây phương đến và khi ngồi một mình, đã òa khóc nức nở không cầm được. Họ không thể tưởng tượng là mình lại làm như vậy. Ý chung bảo đó không phải là nước mắt vì niềm vui hay nỗi khổ, mà do cảm xúc thấy là mình bước vào sự hiện diện của một lòng lành, một lực thiện không thể mô tả bằng lời. Tất cả xác chứng là họ cảm nhận một lòng từ tràn ngập tâm hồn, có cảm tưởng bị tiêu tan, biến mất tuy chỉ trong khoảnh khắc, như thể thành cát bụi.
Đền đài xây từ cả ngàn năm trước giờ vẫn còn vẻ huy hoàng, còn hình ảnh kiến trúc ở Iran thời nay như cao ốc, cơ xưởng, nhà cửa gợi lòng chán nản, rầu rĩ nơi du khách, vì thành phố tỏ ra xấu xí so với đền, thánh đường được xây cất từ xưa. Du khách ngạc nhiên là một đất nước có lịch sử kiến trúc phong phú như Iran, lại có thể suy đồi về mặt mỹ thuật như vậy.
Kiến trúc Ba Tư cho các ấn tượng đã nêu, nay ta có một thắc mắc nhỏ cuối bài. Khối đông tín đồ Thiên Chúa giáo ở Âu châu thời trung cổ là dân quê thường ít học, không biết chữ. Để truyền đạo, người ta kể chuyện cuộc đời đức Chúa bằng khung kính mầu trong giáo đường. Dân chúng tới nhà thờ dự lễ nhìn vào các khung kính này và biết những điều căn bản trong kinh thánh.
Nếu như vậy thì khi nhìn qua thánh đường Hồi giáo với thư pháp viết quanh tường, phải chăng điều ấy muốn nói tín đồ Hồi giáo đa số biết chữ và đọc được lời kinh trên đó ? Chắc chắn không phải vậy, thế thì đó là câu hỏi chờ được trả lời.

Jason Elliot
Mirror of the Unseen - Journeys in Iran.

Xem mục Kiến Trúc (trang Mỹ Lệ Nghệ Thuật)